Anh Hoàng sức vóc yếu ớt nên kém luôn ‘khoản đó’. Thông cảm với nhu cầu ‘ngùn ngụt’ của vợ nên cứ cách 1-2 ngày, anh phải gồng mình ‘chiều' vợ.
ảnh minh họa
Hồi mới cưới, anh Hoàng rất nhiệt tình trong chuyện chăn gối. Mỗi ngày đều đặn một lần cũng không sao. Có khi, anh toàn chủ động. Nhưng gần nửa năm sau, “tân phu quân” đã “giơ tay xin hàng” mà vợ không buông tha. Để thoái thác, anh Hoàng viện đủ lý do, nào “mệt”, “đau đầu”, “đau lưng”… thì anh mới được vợ cho tạm “miễn thuế”.
Nhiều hôm, anh Hoàng “bí” đành vác gối ra salon phòng khách bật HBO xem, lừa vợ ngủ say sẽ vào. Nhưng vừa đặt lưng xuống, anh Hoàng đã bị vợ kéo áo, búng vào lưng hoặc sờ vào “chỗ ấy”. Sau đó, anh Hoàng xin cơ quan cho đi công tác thường xuyên hơn. Tuy nhiên, trước khi đi và mỗi lần về, anh còn bị “đóng thuế” nặng hơn.
Anh Hoàng không hiểu mình đang bị yếu đi hay do vợ mạnh hơn? Anh cũng biết không thể trốn mãi được nhưng anh chưa tìm ra cách nào khả thi cho chuyện riêng của mình.
Hơi khác anh Hoàng một chút, anh Linh (Thanh Xuân, Hà Nội) sau một thời gian è cổ với “sưu cao, thuế nặng”, bây giờ anh quyết đòi “tự do”. Để được yên thân, anh Linh sa đà vào nhậu nhẹt đến tối khuya. Vợ nói gì thì nói, anh dùng chiêu “hóa đá”, không phủ nhận, không đồng ý, càng không đôi co với vợ. Vợ anh hỏi có trục trặc gì thì cùng đi khám nhưng anh càng im lặng lâu hơn. Vợ thúc ép thì anh co người lại và đâm… thù ghét vợ.
Cuối cùng, vợ anh Linh tức, ôm con, xách hành lý về bên ngoại, anh cũng có ý hối hận. Tuy nhiên, chính anh còn hoang mang không hiểu tại sao mất hứng với vợ. Anh đã cố “chiều” vợ nhưng sức người có hạn. Một thời gian sau thì anh “bải hoải” và tìm mọi cách trốn tránh. Bây giờ, anh định sẽ làm hòa với vợ trước rồi đi khám sau.
Khi vợ nhiều – chồng ít
Giống như nhiều vấn đề trong cuộc sống, “chuyện đó” cũng có mức độ của nó. Đó là sự hòa hợp dựa trên tuổi tác, sức khỏe, thói quen sinh hoạt … của vợ chồng. Người ta thường cho rằng, đàn ông luôn mạnh hơn phụ nữ, nhất là chuyện đó. Thực tế, số phụ nữ có ham muốn quá mạnh không nhiều nhưng lại là vấn đề lớn.
Có một số phụ nữ nhu cầu chưa hẳn đã nhiều nhưng do đối phương ham muốn ít quá nên cứ vênh nhau. Nhiều người vợ canh cánh nỗi buồn vì nếu không chủ động thì hàng tháng, có khi hàng năm không được chồng “ngó” tới. Có người chủ động nhiều thì nảy sinh tự ái, không muốn tiếp tục “cầm lái” nữa. Lại có người khi chán chường quá thì ham muốn với chồng cũng tự nhiên tắt hẳn. Họ chuyển hướng sang những chuyện khác như con cái, chăm sóc bản thân… Khi không còn kỳ vọng ở chồng thì nỗi đau sẽ nhạt dần. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời vì vợ chồng không hòa thuận trong “chuyện đó” thì hạnh phúc chưa tròn.
Muốn “trùng tu” thì biết “rệu rạo” ở chỗ nào? Là do vợ quá nhiều hay là do chồng quá ít? Vấn đề là người nào dám thừa nhận mình đang “có bệnh”. Người vợ ham muốn nhiều có thể tự ngụy biện rằng thế chẳng phải là nhiều? Người chồng không “tha thiết” thì cũng lập luận: “Thế chẳng phải là ít?”. Người “yếu” chỉ “chống đỡ” được một thời gian ngắn, còn về lâu về dài thì khó mà tự nhiên khỏi bệnh. Khi một người chủ động rút ra khỏi cuộc “song đấu” thì là một cú shock lớn với cả hai.
Quan hệ vợ chồng cũng cần phải “văn ôn võ luyện”, nếu không dễ dẫn đến tình trạng tắt lịm. Vợ chồng hờ hững hoặc xem đó là chuyện nhỏ, không kê đơn bốc thuốc đúng thời điểm. Việc khắc phục đòi hỏi đồng lòng của cả đôi bên. Dẹp bỏ tự ái, cùng kiên trì và bình tĩnh trao đổi để tìm hướng đi đúng. Nhiều hay ít đều có thể phản ánh bất thường ở tâm sinh lý hoặc là biểu hiện của bệnh.
Theo Me&be
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét